Án treo, giữ hay bỏ ?

Án treo là trường hợp người phạm tội bị phạt tù nhưng không phải ở tù vì họ có được những điều kiện để được hưởng như vậy - theo qui định tại Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn hiện có những ý kiến khác nhau về việc bỏ hay giữ án treo. Sau loạt bài “Loạn án treo” mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Phó Chánh án thường trực TAND tối cao Đặng Quang Phương cho biết TAND tối cao vừa ra Nghị quyết hướng dẫn cụ thể hơn các điều kiện cho hưởng án treo để áp dụng thống nhất trong toàn ngành. Một vấn đề khác khá lý thú là đã có ý kiến đề xuất nên bỏ hẳn án treo và thay bằng hình phạt cải tạo không giam giữ. Mới đây, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng gửi bài viết cho rằng án treo “tạo ra sự bất công và không hề nhân đạo, là một điểm tựa của các hiện tượng tiêu cực trong ngành tòa án”. Luật sư Phong phân tích: Từ trước tới nay luật chưa định nghĩa án treo là gì. Mọi người thường chỉ hiểu nôm na án treo là “bị tù nhưng... không ở tù”. Điều này không thể chấp nhận được về mặt lý luận pháp lý hình sự. Mặt khác, án treo không phải là hình phạt nhưng lại áp dụng cho người “đáng” phải chịu hình phạt là không có căn cứ. Cạnh đó, căn cứ để tòa áp dụng án treo là “nhân thân”, “tình tiết giảm nhẹ”. Các yếu tố này đã được tòa cân nhắc khi quyết định hình phạt rồi, nếu cho người phạm tội hưởng án treo, tức các yếu tố này được xem xét tới hai lần. Chưa kể, án treo còn làm cho người tội nhẹ có thể bị xử nặng hơn người tội nặng, chẳng hạn một người bị phạt sáu tháng tù phải ở tù thật trong khi một người khác bị ba năm tù có khi lại được ở ngoài nhờ án treo. Điều này không hợp lý, khi mà ai cũng biết “một ngày trong ngục bằng ngàn thu ở ngoài”... Người được hưởng án treo thay vì phải ở trong tù thì được … miễn ở tù (ảnh minh họa) Theo Phó Chánh án TAND tối cao Đặng Quang Phương, rất nhiều nước áp dụng hình thức treo án, thậm chí ngay cả đối với án tử hình. Ở ta, trong những lần sửa đổi, bổ sung BLHS trước đây đã từng có tranh cãi về việc nên duy trì án treo hay không, cuối cùng nhà làm luật thấy rằng không thể bỏ được. Ông Phương nhận xét bản thân chế định án treo “không có tội tình” gì cả! Tinh thần của nhà làm luật và các hướng dẫn của TAND tối cao đều rất rõ, nếu các tòa tuân thủ đúng thì khó xảy ra những trường hợp sai sót. Về việc thay án treo bằng hình phạt cải tạo không giam giữ, ông Phương không tán đồng. Theo ông, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, hình thức giống cải tạo không giam giữ là người thụ án được tự do trong sự giám sát của địa phương nơi sinh sống, của cơ quan nơi công tác nhưng hậu quả pháp lý rất khác nhau. Một bên đang chấp hành án, thời hạn hình phạt rút ngắn từng ngày (cải tạo không giam giữ); bên kia là trong thời gian thử thách, hình phạt vẫn lơ lửng trên đầu, nếu tái phạm thì phải ngồi tù (án treo). Một điểm quan trọng nữa, cải tạo không giam giữ có thời hạn sáu tháng đến ba năm, chỉ áp dụng với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Còn án treo được vận dụng đối với tất cả các loại tội, kể cả tội phạm ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia. Chế định này đã giúp cá thể hóa hình phạt tới từng trường hợp phạm tội. Đó là tính ưu việt của án treo. ( NGHĨA NHÂN)

-----------------------------------------------------------

( Bài viết này đã đăng trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 20-10-2007. Vì trong bài viết có ý kiến của luật sư Trần Hồng Phong, thành viên Công ty luật hợp danh Ecolaw, nên chúng tôi xin đăng lại để làm kỷ niệm)

-----------------------------------------------------------

Qui định của pháp luật :

Án treo

1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. 3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. 4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. 5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới và qui thành án tù giam. ( Theo Điều 60 Bộ luật hình sự)

Theo: Ecolaw.vn

 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật